Khoa Lưu trữ học & QTVPhttps://aom.ussh.vnu.edu.vn/uploads/aom/untitled-2_1.png
Thứ hai - 03/01/2022 00:00
Kỳ 3. Tăng tốc và Bứt phá
Không dừng lại ở việc thành lập Khoa Văn thư – Lưu trữ, trong năm học 1996 -1997, đội ngũ lãnh đạo Khoa thời kỳ đó gồm Chủ Nhiệm khoa Nguyễn Văn Hàm, Phó chủ nhiệm Khoa Vũ Thị Phụng và Phó chủ nhiệm Khoa Đào Xuân Chúc đã đồng lòng cùng Bí thư Chi bộ Vương Đình Quyền tiếp tục thuyết minh, đề xuất lãnh đạo Trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho phép điều chỉnh tên Khoa để phù hợp với định hướng phát triển chuyên môn lâu dài. Cơ sở khoa học và thực tiễn của việc điều chỉnh tên Khoa là mối liên hệ chặt chẽ giữa công tác văn thư – lưu trữ với hoạt động văn phòng, với nhiệm vụ hỗ trợ điều hành quản lý của các cơ quan, tổ chức và vai trò của nó đối với công cuộc cải cách hành chính. Trong năm 1997, Khoa Văn thư – Lưu trữ chính thức đổi tên thành Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, trở thành đơn vị đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đào tạo bậc đại học về lưu trữ và quản trị văn phòng thời điểm đó. Ở thời kỳ này, tiếp nối các thành tựu trong hơn hai mươi năm, nhiều hướng nghiên cứu mới chuyên sâu về lưu trữ không ngừng được cán bộ và sinh viên triển khai, bao gồm nghiên cứu ứng dụng các nghiệp vụ lưu trữ như nghiệp vụ lưu trữ trong từng nhóm cơ quan như cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp,…, nghiệp vụ lưu trữ đối với tài liệu chuyên môn của tòa án, viện kiểm sát, công an, quốc phòng, tài liệu trắc địa, bản đồ, điạ chất, khoáng sản, tài liệu nghe – nhìn, ... Cùng lúc đó, những môn học đầu tiên của quản trị văn phòng cũng được giảng dạy như Nghiệp vụ thư ký văn phòng, Tin học Văn phòng, Hành chính học đại cương, Luật Hiến pháp, Tổ chức lao động khoa học và Trang thiết bị văn phòng. Năm 1998, Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng bắt đầu tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ Lưu trữ học đầu tiên, đánh dấu sự trưởng thành về năng lực chuyên môn của Khoa trong hoạt động đào tạo không chỉ cho đội ngũ chuyên viên lưu trữ, mà còn cho đội ngũ nhân lực có kỹ năng nghiên cứu và quản lý chuyên môn trong các cơ quan, viện nghiên cứu, các trường đào tạo về văn thư và lưu trữ khác. Từ năm học 2007-2008, Hội đồng khoa học đào tạo của Khoa gồm PGS. Vương Đình Quyền, PGS. Nguyễn Văn Hàm và các thành viên trong Ban chủ nhiệm Khoa đương nhiệm là Tiến sĩ Đào Xuân Chúc, Tiến sĩ Vũ Thị Phụng, Tiến sĩ Nguyễn Liên Hương đã bàn thảo kế hoạch, chương trình, nội dung và từng bước chuẩn bị các điều kiện để đào tạo lưu trữ học bậc tiến sĩ. Đề án đào tạo tiến sĩ Lưu trữ học được phê duyệt năm 2009 và chính thức đào tạo khóa đầu tiên năm 2010. Đây cũng là thế hệ tiễn sĩ Lưu trữ học đầu tiên trong cả nước đào tạo tại Việt Nam. Đến trước những năm 2000, Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng vẫn giữ vị trí số một và duy nhất ở Việt Nam đào tạo về lưu trữ học ở cả hai bậc đại học và sau đại học. Đội ngũ cựu sinh viên, cựu học viên được học tập, trưởng thành từ Khoa ngày càng đông đảo, làm việc và cống hiến tại nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên khắp cả nước, dần trở thành những lãnh đạo có kinh nghiệm và nhiệt huyết, góp phần khẳng định rõ uy tín và chất lượng đào tạo của Khoa. Quá trình đào tạo này cũng góp phần gây dựng đội ngũ giảng viên nòng cốt cho các cơ sở đào tạo khác về lưu trữ và quản trị văn phòng như trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Nội vụ cùng một số trường cao đẳng khác. Cũng qua đó, tri thức và tinh thần làm việc khoa học của Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng được lan tỏa, tạo thành tư duy và thái độ cởi mở, sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị khác cùng chuyên môn, bao gồm cả tư vấn, thẩm định chương trình và nội dung môn học, tham gia biên soạn hoặc thẩm định giáo trình, bài giảng, đề tài nghiên cứu, … Truyền thống hợp tác chặt chẽ từ thời kỳ mới lập giữa cơ sở đào tạo với cơ quan sử dụng nhân lực cùng với tinh thần nhân văn gắn bó, tình cảm thầy trò, đồng nghiệp, đồng đội là giá trị vững chắc, giúp Khoa du trì được mối quan hệ tốt đẹp với các giảng viên, nhà quản lý, nghiên cứu viên và chuyên viên lưu trữ, cán bộ văn phòng có kinh nghiệm được đào tạo từ Khoa, mở rộng được đội ngũ cộng tác viên, hệ thống cơ sở thực hành, thực tập ngoài không gian của trường để phục vụ đào tạo song song với triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao tri thức. Tuy vậy, những đòi hỏi của nhiều vấn đề thực tiễn hóc búa trong hoạt động lưu trữ và công tác văn phòng đặt ra thách thức đối với Khoa trong nhiệm vụ phải đổi mới không ngừng, tiếp tục mở rộng và nâng cao các nội dung nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu. Thêm vào đó, sự xuất hiện của hàng loạt các cơ sở nghiên cứu và đào tạo trong cùng lĩnh vực với sự tư vấn, hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia trong Khoa đã làm thay đổi vị trí duy nhất Việt Nam của Khoa, đặt ra yêu cầu phải xác định rõ sứ mệnh và tầm nhìn trong bối cảnh mới. Tiếp quản vị trí lãnh đạo Khoa trong giai đoạn chiến lược phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội có những mục tiêu và yêu cầu diện mạo mới, Ban lãnh đạo Khoa nhiệm kỳ 2010 – 2015 chỉ gồm PGS. TS. Vũ Thị Phụng và TS. Nguyễn Liên Hương với sự đồng hành của Bí thư Chi bộ Đào Xuân Chúc phải đối mặt với nhiều thử thách. Đội ngũ giảng viên cơ hữu của Khoa còn chưa đáp ứng đủ một số điều kiện để kịp thời tiếp quản các vị trí công tác cao hơn, thế hệ các nhà khoa học giàu kinh nghiệm đã qua tuổi nghỉ hưu, áp lực hội nhập với thế giới về cả hai chức năng nghiên cứu khoa học và đào tạo gây ra sức ép không nhỏ về tuyển dụng, sử dụng, đào tạo cán bộ trong khi nhu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về khoa học và tri thức lưu trữ, quản trị văn phòng có những tiêu chí phức tạp hơn, đa dạng và chuyên sâu hơn. Vì thế, việc bổ sung Ths. Lê Tuấn Hùng, Bí thư Chi đoàn cán bộ vào Ban Chủ nhiệm Khoa là quyết định táo bạo, nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ trẻ từng bước kế cận các trọng trách của đơn vị. Với sự đồng lòng và quyết tâm cao, lãnh đạo và đội ngũ giảng viên, chuyên viên Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng từng bước triển khai nhiều kế hoạch đồng bộ nhằm tiếp tục khẳng định uy tín và vị thế của Khoa. Hoạt động đào tạo được mở rộng quy mô và đa dạng hóa. Bên cạnh việc duy trì đào tạo thạc sĩ và hiện thực hóa chương trình tiến sĩ Lưu trữ học, Khoa xây dựng thành công hai chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành riêng là chương trình cử nhân Lưu trữ học và chương trình cử nhân Quản trị văn phòng. Từ năm học 2011-2012, Khoa đào tạo khóa cử nhân Lưu trữ học đầu tiên theo chương trình mới và từ năm học 2014-2015, chương trình cử nhân Quản trị văn phòng áp dụng cho khóa sinh viên đầu tiên. Chương trình thạc sĩ Quản trị văn phòng định hướng nghiên cứu được Đại học Quốc gia Hà Nội phê duyệt và bắt đầu đào tạo từ 2015, chương trình thạc sĩ Lưu trữ học được điều chỉnh chuyên sâu thành Lưu trữ học định hướng nghiên cứu, đồng thời chương trình Lưu trữ học định hướng ứng dụng cũng được xây dựng mới để đáp ứng nhu cầu học tập nâng cao của các nhà quản lý, các chuyên gia thực hành. Chương trình thạc sĩ Quản trị văn phòng định hướng ứng dụng cũng được xây dựng với mục đích tương tự. Nhiều hình thức đào tạo khác cũng được thúc đẩy mạnh mẽ ở thời kỳ này. Ngoài đào tạo chính quy và phi chính quy như trước đây, các chương trình đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học, chuyển đổi kiến thức từ ngành gần, ngành xa sang Quản trị văn phòng hoặc Lưu trữ học, các khóa tập huấn ngắn hạn từ 1 tháng đến 6 tháng, các dự án đào tạo theo địa chỉ hoặc liên kết đào tạo với các cơ quan quản lý nhà nước, với các cơ sở đào tạo tại địa phương trở nên khả thi, đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Mô hình đào tạo trực tuyến và đào tạo kết hợp (blended learning) đã được thử nghiệm sẵn sàng, được nhiều đối tượng người học khác nhau chào đón và đang đợi cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Đại học Quốc gia Hà Nội. Các hội thảo, tọa đàm khoa học vẫn được tổ chức định kỳ, đóng góp quan trọng vào việc quy tụ đội ngũ các nhà khoa học trong nước và kết nối, chia sẻ tri thức tại Việt Nam nhưng truyền thống không ngừng cập nhật tri thức khoa học từ nước ngoài của Bộ môn Lưu trữ lịch sử bị gián đoạn trong nhiều năm. Thực tế đó không chỉ tạo ra nguy cơ lạc hậu về tri thức khoa học mà còn khiến cho Khoa khó tạo dựng được vị thế tương xứng tại một trường đại học coi trọng mục tiêu hội nhập quốc tế. Nắm bắt thời cơ Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các diễn đàn, hội thảo đa dạng, các chuyến tham quan, học tập tại nước ngoài, PGS. TS. Vũ Thị Phụng đã có duyên gặp gỡ và tham gia trình bày báo cáo tại hội thảo với các học giả, các chuyên gia lưu trữ tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, …, trở thành cầu nối xúc tiến và trực tiếp tổ chức thành công hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên do Khoa chủ trì nội dung vào năm 2012. Sau hội thảo này, các hội thảo quốc tế được tổ chức đều đặn vào năm 2016, 2019 đều tạo được tiếng vang lớn, không chỉ thu hút được sự quan tâm của giới học giả mà các cơ quan báo chí, truyền thông, các nhà sử học, các độc giả cũng giành nhiều thời gian và giấy mực để giới thiệu về một diễn đàn giàu tính học thuật và nhân văn. Cũng từ các hội thảo, hoạt động hợp tác và công bố quốc tế được thúc đẩy mạnh hơn với chương trình trao đổi học giả giữa các Trường đại học có hợp tác, trao đổi tài liệu nghiên cứu và trao đổi học thuật. Trong hai năm 2012 và 2013, các chuyên gia từ Đức và Nhật Bản đã có giờ giảng tại Khoa cho các nghiên cứu sinh và học viên cao học. Các nghiên cứu sinh và học viên cao học ngành Lưu trữ học tại đại học Gakushuin (Nhật Bản) cũng tham dự các giờ giảng và tham quan thực tế tại Việt Nam trong các năm 2012 và 2016. Năm 2018, giảng viên của Khoa bắt đầu có giờ giảng cho học viên sau đại học tại trường Gakushuin. Tiếng nói và thành quả nghiên cứu khoa học của các học giả thuộc Khoa cũng thể hiện rõ hơn qua các hội thảo quốc tế tại Đức, Mỹ và Pháp. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Khoa trưởng thành hơn về nhiều phương diện. Hai nghiên cứu sinh nước ngoài đầu tiên tính từ thế hệ của TS. Nguyễn Văn Thâm và TS. Đào Xuân Chúc đã hoàn thành nhiệm vụ học tập tại Đức và Pháp. Họ nhanh chóng được giao các trọng trách mới cả về chuyên môn và quản lý, trở thành Trưởng Khoa đương nhiệm Đào Đức Thuận và Phó Trưởng Khoa Cam Anh Tuấn. Những giảng viên được đào tạo trong nước cũng lần lượt khẳng định uy tín chuyên môn qua các hướng nghiên cứu có tính đột phá trong luận án tiến sĩ và nhiều chương trình có tính thực tiễn cao đã bổ sung thêm vào ban lãnh đạo Phó Trưởng khoa Nguyễn Hồng Duy. TS.Đào Đức Thuận trở thành phó giáo sư trẻ nhất trong lịch sử phát triển của Khoa khi nhận học hàm ở tuổi 40. Kinh nghiệm, sự định hướng và không ngừng giúp sức của những bậc tiền bối cùng với bản lĩnh của đội ngũ lãnh đạo, giảng viên được tiếp nhận nhiều kiến thức, kỹ năng đương thời đã tạo ra nguồn sinh khí mới để Khoa mạnh dạn thực hiện những nhiệm vụ kể trên. Nhìn lại 25 năm từ khi thành lập và hơn 50 năm truyền thống nghiên cứu và đào tạo, cán bộ, giảng viên, sinh viên Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng tự tin ở bề dày kiến thức được nhiều thế hệ bền công vun đắp, đồng thời không ngừng nhạy bén để đổi mới bằng cách tư duy hiện đại, thích ứng để hội nhập nhưng giữ vững giá trị cốt lõi của những người mang sứ mệnh tiên phong.