Khát vọng và Sự dấn thân (kỳ 2)

Chủ nhật - 02/01/2022 00:00
Kỳ 2: Mở rộng và Phát triển
Khát vọng và Sự dấn thân (kỳ 2)
                    Mặc dù Bộ môn Lưu trữ học đã hình thành trên thực tế và bắt đầu đào tạo sinh viên, song những thách thức do thiếu tài liệu tham khảo, thiếu cơ sở thực tập, thực hành và nhiều khó khăn khác nữa vẫn tiếp tục tạo sức ép cho đội ngũ cán bộ khoa học lưu trữ thuộc thế hệ đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Mặc dầu vậy, phát huy tinh thần năng động, ham học hỏi của tuổi trẻ và kế thừa truyền thống làm việc nghiêm túc, bài bản, có kỷ luật và chuyên sâu của Khoa Lịch sử và của Cục Lưu trữ Nhà nước, các thành viên của Bộ môn vừa thực hiện các nhiệm vụ tại trường Đại học Tổng hợp, vừa tham dự các hoạt động chuyên môn do Cục Lưu trữ tổ chức. Từ những năm 1970, thầy Nguyễn Văn Thâm và thầy Phan Đình Nham được học tập tại Liên Xô đã thường xuyên cập nhật, gửi giáo trình, tài liệu về lưu trữ học tại Liên Xô về nước. Nhờ đó, Bộ môn đã tiến hành đọc và biên dịch để sử dụng làm tài liệu tham khảo cho giảng dạy và nghiên cứu. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Bộ môn thống nhất mỗi giảng viên phải tự học ít nhất một ngoại ngữ để đọc, dịch thành thạo và hằng năm phải có bài dịch chuyên môn nộp lại cho Bộ môn. Giáo trình Lý luận và Thực tiễn công tác lưu trữ Liên Xô là một sản phẩm như thế. Các nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo do Khoa Lịch sử phân công đều được Bộ môn hoàn thành tốt. Đến trước năm 1990, Bộ môn đã hai lần nhận danh hiệu Tổ lao động Xã hội chủ nghĩa (tương đương với danh hiệu Chiến sĩ thi đua hiện nay nhưng thủ tục và tiêu chuẩn xét chọn phức tạp hơn).   
          Là một sản phẩm đào tạo từ sự đóng góp của cán bộ, nhân viên Cục Lưu trữ Nhà nước, các thành viên của Bộ môn Lưu trữ học tiếp tục đồng hành tích cực vào hoạt động chuyên môn của Cục. Những giảng viên trẻ của Bộ môn đồng thời là giảng viên chính của một số chuyên đề trong các chương trình đào tạo ngắn hạn cho chuyên viên lưu trữ của Cục Lưu trữ. Các hội thảo, hội nghị tổng kết công tác lưu trữ toàn quốc đều có sự hiện diện của các thành viên bộ môn trong vai trò báo cáo viên. Cũng trong thời kỳ này, giảng viên của Bộ môn được giao chủ trì những đề tài nghiên cứu khoa học của nhà nước về lưu trữ học, thầy Vương Đình Quyền tham gia Hội đồng khoa học của Cục Lưu trữ đến đầu những năm 1990. Nhờ thế, những xuất bản phẩm đầu tiên của Bộ môn trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc lý thuyết Lưu trữ học Xô Viết và tổng kết thực tiễn Việt Nam đã ra đời, tiêu biểu là giáo trình Văn bản quản lý nhà nước và Lập hồ sơ, Lý luận và Thực tiễn công tác lưu trữ. Một số nội dung thuộc chuyên môn của Bộ môn như văn bản quản lý nhà nước, kỹ thuật soạn thảo văn bản, nghiệp vụ lưu trữ được chọn vào nhóm các môn học đại cương để giảng dạy cho nhiều ngành thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Giáo trình Văn bản và Lưu trữ học đại cương được ấn hành để đáp ứng nhiệm vụ này.
          Năm 1973, Tiến sĩ Đào Xuân Chúc hoàn thành chương trình học tập tại Liên Xô trở về nước và được tiếp nhận làm việc tại Bộ môn. Sau đó, đội ngũ giảng viên của Bộ môn tiếp tục bổ sung cô Vũ Thị Phụng, cô Nguyễn Liên Hương và hai cô được tiếp tục đào tạo nâng cao tại Khoa Lịch sử thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trở thành đội ngũ kế cận tiếp theo. Ghi nhận những đóng góp và thành tựu của các chuyên gia lưu trữ học thuộc thế hệ đầu tiên, Nhà nước đã phong tặng thầy Nguyễn Văn Hàm và thầy Vương Đình Quyền học hàm Phó Giáo sư năm 1992.
          Những năm 1990 đến đầu thế kỷ XXI chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt những nghiên cứu về cải cách hành chính ở Việt Nam. Công tác lưu trữ không còn là khoa học bổ trợ của Sử học mà dần đóng góp vào hoạt động thực tiễn của quản lý nhà nước. Công tác văn thư và lịch sử bộ máy nhà nước được coi trọng và trở thành những nội dung đào tạo cơ bản của Bộ môn. Giáo trình Lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt Nam do Tiến sĩ Vũ Thị Phụng chủ biên ra đời trong hoàn cảnh như vậy. Cũng từ xu thế đó, năm 1993, Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập trên cơ sở sáp nhập Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, giảm đầu mối quản lý nhưng mở rộng quy mô và đa dạng hóa các ngành đào tạo. Đây là cơ hội và cũng là thách thức để Lưu trữ học mở rộng và nhập cuộc với xu thế chung. Vượt qua rào cản của thủ tục hành chính phức tạp và định kiến của một bộ phận các nhà khoa học chưa thực sự coi trọng vị trí và tiềm năng phát triển của khoa học lưu trữ nói chung, Bộ môn Lưu trữ học nói riêng, Khoa Văn thư và Lưu trữ được thành lập năm 1996, là đơn vị trực thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trên cơ sở tách rời về tổ chức và chuyên môn của Bộ môn Lưu trữ học khỏi Khoa Lịch sử. 

Tác giả: Phạm Thị Diệu Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay816
  • Tháng hiện tại19,576
  • Tổng lượt truy cập605,873
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây