Khát vọng và Sự dấn thân (kỳ 1)

Thứ bảy - 01/01/2022 00:00
Nhân kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống của ngành Lưu trữ (03.1.1946-03.01.2022), bài viết giới thiệu những chặng đường đã qua của Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng với sự đồng hành của nhiều cơ quan khác, đặc biệt là Cục Lưu trữ Nhà nước.
Khát vọng và Sự dấn thân (kỳ 1)
Có ai đó từng nói : “ Thành công lớn nhất trên đời là làm được những điều mà người khác cho rằng mình không thể”, và để làm được những điều tưởng như không thể, khát vọng và tinh thần dấn thân là động lực mạnh mẽ được nuôi dưỡng qua các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng trong hơn năm mươi năm qua.

Kỳ 1. Thời kỳ kiến tạo
             Để nghiên cứu và phục dựng thành công các sự kiện lịch sử, các nhà sử học đều cần có tư liệu, và trong lúc chờ nhà sử học phát hiện và sử dụng thông tin, tài liệu cần được ai đó coi sóc, bảo vệ, sắp xếp, phục chế, chuẩn bị sẵn sàng. Nhưng trong rất nhiều năm, đội ngũ những người canh giữ, bảo quản, sắp xếp những tài sản quý giá đó chưa được đào tạo chuyên nghiệp ở trình độ cao tại Việt Nam. Những chuyến tham quan, học tập tại nước ngoài của lãnh đạo Khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã đưa đến những ý tưởng làm thay đổi thực tế này. Trong những năm 1960, Khoa Lịch sử từ Khoa Văn – Sử của trường Đại học Tổng hợp được tách thành khoa độc lập với hai bộ môn Lịch sử Việt Nam và Lịch sử Thế giới. Giáo sư Phan Hữu Dật, với kinh nghiệm được học tập tại Liên Xô đã đề xuất thành lập thêm hai bộ môn Lưu trữ học và Bảo tàng học nhưng do tình hình cán bộ còn chưa đủ nên bộ môn Lưu trữ học chưa có điều kiện hình thành. Cùng trong thời điểm đó, Cục Lưu trữ Nhà nước cũng có nhu cầu đào tạo và sử dụng cán bộ lưu trữ được đào tạo bài bản ở trình độ đại học, bởi lẽ đội ngũ cán bộ lưu trữ được đào tạo trong thời kỳ thuộc Pháp chủ yếu ở trình độ sơ cấp, không đủ đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực tiễn là vậy, mong muốn là vậy nhưng để thực hiện được là điều hết sức khó khăn. Trong bối cảnh đất nước còn đang chiến tranh, thiếu bài giảng, giáo trình, tài liệu tham khảo, chưa có đội ngũ giảng viên chuyên sâu về lĩnh vực lưu trữ, càng chưa có điều kiện tham khảo hoặc được các chuyên gia tư vấn chương trình một cách chuyên nghiệp cùng với những hoài nghi về tính hàn lâm của lưu trữ trong giới học giả và nhà quản lý lúc đó khiến cho việc xây dựng bộ môn và hiện thực hóa ý tưởng đào tạo bậc đại học về chuyên ngành này cần những quyết tâm và nỗ lực lớn hơn.
          Những chuyến tham quan, học tập tại Trung Quốc và tham dự giờ giảng với chuyên gia Liên Xô đã thúc đẩy mạnh hơn các khóa tập huấn ngắn hạn về lưu trữ tại Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Phủ Thủ tướng. Cũng nhờ đó, sự thay đổi nhận thức về vai trò của công tác lưu trữ trong các cơ quan quản lý nhà nước là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự thành lập của hai hệ thống cơ quan lưu trữ của Nhà nước và của Đảng cộng sản Việt Nam vào cuối những năm 1950, đầu những năm 1960. Đến năm 1964, Phủ Thủ tướng, Bộ Đại học và Cục Lưu trữ Nhà nước cùng họp bàn về việc đào tạo đại học ngành lưu trữ và quyết định nên lựa chọn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là cơ sở thực hiện nhiệm vụ này. Nhận nhiệm vụ, lãnh đạo Khoa Lịch sử đã tuyển chọn và cử sinh viên năm thứ ba chuyên ngành lịch sử Việt Nam tới học một năm về nghiệp vụ tại các cơ quan lưu trữ. Trong đó, sinh viên Nguyễn Văn Thâm, Lê Văn In và Nguyễn Văn Hàm thực tập tại Cục lưu trữ với nhiệm vụ nghiên cứu lý thuyết; các sinh viên Vương Đình Quyền, Phan Đình Nham và Nguyễn Minh Phương thực tập, nghiên cứu thực tiễn tại kho lưu trữ tỉnh Hà Bắc. Sau khi tốt nghiệp năm 1968, ông Lê Văn In được nhận làm việc tại Cục Lưu trữ Nhà nước, hiện nay là giảng viên chuyên trách tại Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1969, những sinh viên còn lại đã tốt nghiệp trở thành những giảng viên đầu tiên của Bộ môn Lưu trữ học thuộc Khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội dưới vai trò phụ trách, quản lý bộ môn của giáo sư Kiều Xuân Bá, Phó chủ nhiệm Khoa Lịch sử thời kỳ đó.  
          Lục lại ký ức và những ghi chép về thời kỳ xúc tiến hình thành bộ môn, PGS. Vương Đình Quyền tin rằng sự ra đời của Bộ môn Lưu trữ học là thành quả của ý tưởng kiến tạo, quyết tâm và sự đồng lòng, hợp tác của đội ngũ các nhà quản lý tại Khoa Lịch sử và Cục Lưu trữ Nhà nước. Xét từ phương diện lịch sử, thành tựu này không chỉ thể hiện vai trò tiên phong của Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trong việc tạo dựng ngành đào tạo mới, mà còn thể hiện khả năng tổ chức, cách thức đào tạo một ngành khoa học ứng dụng gắn với thực tiễn. Đồng thời, đây cũng là sự kiện quan trọng ghi dấu quan hệ hợp tác song phương, vì mục tiêu chung của cơ sở đào tạo, trực tiếp là Đại học Tổng hợp Hà Nội và cơ sở sử dụng nhân lực, cụ thể là Cục Lưu trữ Nhà nước.

Tác giả: Phạm Thị Diệu Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 1.8 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay271
  • Tháng hiện tại8,173
  • Tổng lượt truy cập692,366
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây