Tiến sĩ Lưu trữ học

Thứ tư - 30/09/2020 21:00
Nghiên cứu sinh ngành Lưu trữ học được tiếp cận kiến thức khoa học chuyên sâu, kỹ năng nghiên cứu đa dạng và cập nhật thực tiễn để phát triển năng lực khoa học của bản thân.
Tiến sĩ Lưu trữ học

PHẦN I. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

1. Một số thông tin về chương trình đào tạo 

– Tên chuyên ngành đào tạo:

  • Tiếng Việt: Lưu trữ học
  • Tiếng Anh:Archival Science

– Mã số chuyên ngành đào tạo: 9320303.01 

– Tên ngành đào tạo: 

  • Tiếng Việt: Lưu trữ học
  • Tiếng Anh: Archival Science

– Trình độ đào tạo: Tiến sĩ

– Tên văn bằng sau tốt nghiệp: 

  • Tiếng Việt: Tiến sĩ ngành Lưu trữ học
  • Tiếng Anh: Doctor of Philosophy in Archival Science

– Đơn vị đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.

2. Mục tiêu của chương trình 

2.1.Mục tiêu chung

Đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn sâu về Lưu trữ học; giúp học viên có khả năng tổ chức nghiên cứu độc lập và thiết kế, tổ chức nghiên cứu các chương trình, đề tài khoa học để xây dựng và phát triển hệ thống lý luận/ lý thuyết về khoa học lưu trữ; có khả năng tổ chức, quản lý, tư vấn và tham gia xây dựng chính sách, biện pháp và tổ chức thực hiện quyết định của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về tổ chức và quản lí công tác lưu trữ; đảm nhiệm tốt nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy về lưu trữ học ở bậc đại học và sau đại học. 

2.2. Mục tiêu cụ thể

Trang bị các kiến thức chuyên sâu và nâng cao về lý luận, thực tiễn cũng như các vấn đề mới trong lĩnh vực lưu trữ của Việt Nam và thế giới; trang bị phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu cụ thể để áp dụng trong việc nghiên cứu và giải quyết các vấn đề của lưu trữ học; trang bị kiến thức và phương pháp tổ chức, quản lý công tác lưu trữ trong các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp

3. Thông tin tuyển sinh

3.1. Hình thức tuyển sinh:

Xét hồ sơ chuyên môn theo quy định của ĐHQGHN

3.2. Đối tượng tuyển sinh:  Thí sinh dự tuyển vào chương trình đào tạo chuyên ngành tiến sĩ chuẩn Đại học Quốc gia Hà Nội chuyên ngành Lưu trữ học phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: 

3.2.1. Đối tượng là  công dân Việt Nam:

a) Có lí lịch bản thân rõ ràng, hiện không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Có đủ sức khỏe để học tập;

c) Đáp ứng một trong những điều kiện sau đây về văn bằng và nghiên cứu khoa học: 

–  Có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy ngành Lưu trữ học hoặc Lưu trữ học và Quản trị văn phòng loại Giỏi trở lên; hoặc bằng thạc sĩ chuyên ngành Lưu trữ học; hoặc bằng thạc sĩ chuyên ngành phù hợp/chuyên ngành gần với chuyên ngành Lưu trữ học; hoặc có bằng thạc sĩ các chuyên ngành khác và có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy ngành Lưu trữ học hoặc ngành Lưu trữ học và Quản trị văn phòng. 

d. Đối với văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, phải thực hiện thủ tục công nhận theo quy định hiện hành;

e. Trong thời hạn 03 năm (36 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển là tác giả hoặc đồng tác giả tối thiểu 01 bài báo thuộc tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc 01 báo cáo khoa học đăng tại kỷ yếu của các hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia hoặc quốc tế có phản biện, có mã số xuất bản ISBN liên quan đến lĩnh vực hoặc đề tài nghiên cứu, được hội đồng chức danh giáo sư, phó giáo sư của ngành/liên ngành công nhận. Đối với những người đã có bằng thạc sĩ nhưng hoàn thành luận văn thạc sĩ  với khối lượng học học tập dưới 10 tín chỉ trong chương trình đào tạo thạc sĩ thì phải có tối thiểu 02 bài báo/báo cáo khoa học;

f) Có đề cương nghiên cứu, trong đó nêu rõ tên đề tài dự kiến, lĩnh vực nghiên cứu; lí do lựa chọn lĩnh vực, đề tài nghiên cứu; giản lược về tình hình nghiên cứu lĩnh vực đó trong và ngoài nước; mục tiêu nghiên cứu; một số nội dung nghiên cứu chủ yếu; phương pháp nghiên cứu và dự kiến kết quả đạt được; lí do lựa chọn đơn vị đào tạo; kế hoạch thực hiện trong  thời gian đào tạo; những kinh nghiệm, kiến thức, sự hiểu biết cũng như những chuẩn bị của thí sinh cho việc thực hiện luận án tiến sĩ;

g) Có thư giới thiệu của ít nhất 01 nhà khoa học có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc học vị tiến sĩ khoa học, tiến sĩ đã tham gia hoạt động chuyên môn với người dự tuyển và am hiểu lĩnh vực chuyên môn mà người dự tuyển dự định nghiên cứu. Thư giới thiệu phải có những nhận xét, đánh giá người dự tuyển về:

– Phẩm chất đạo đức, năng lực và thái độ nghiên cứu khoa học, trình độ chuyên môn của người dự tuyển;

– Đối với nhà khoa học đáp ứng các tiêu chí của người hướng dẫn nghiên cứu sinh và đồng ý nhận làm cán bộ hướng dẫn luận án, cần bổ sung thêm nhận xét về tính cấp thiết, khả thi của đề tài, nội dung nghiên cứu; và nói rõ khả năng huy động nghiên cứu sinh vào các đề tài, dự án nghiên cứu cũng như nguồn kinh phí có thể chi cho hoạt động nghiên cứu của nghiên cứu sinh;

– Những nhận xét khác và mức độ ủng hộ, giới thiệu thí sinh làm nghiên cứu sinh.

h) Người dự tuyển là công dân Việt Nam phải có một trong những văn bằng, chứng chỉ minh chứng về năng lực ngoại ngữ như sau:

– Có chứng chỉ ngoại ngữ theo Bảng tham chiếu của Phụ lục 1 kèm theo Hướng dẫn 777/HD-ĐHQGHN ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày thi lấy chứng chỉ tính đến ngày đăng ký dự tuyển; 

– Có bằng cử nhân hoặc bằng thạc sĩ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp cho chương trình đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài bằng ngôn ngữ phù hợp với ngôn ngữ yêu cầu theo chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo;

– Có bằng đại học ngành Ngôn ngữ nước ngoài hoặc Sư phạm tiếng nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp.

i. Đạt đủ điều kiện về kinh nghiệm và thâm niên công tác theo yêu cầu của chuyên ngành đào tạo.

j. Có công văn cử đi dự tuyển của cơ quan quản lí trực tiếp theo quy định hiện hành về đào tạo và bồi dưỡng công chức, viên chức (nếu người dự tuyển là công chức, viên chức);

k. Cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính trong quá trình đào tạo theo quy định của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

3.2.2. Đối tượng là công dân nước ngoài: Được thực hiện theo Quy định về việc xét tuyển người nước ngoài vào học tại Đại học Quốc gia Hà Nội (ban hành theo Quyết định số 4299/QĐ-ĐHQGHN, ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội).

3.3. Danh mục các chuyên ngành phù hợp và chuyên ngành gần

  • Chuyên ngành phù hợp: Lưu trữ học, Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Lưu trữ học và Tư liệu học;
  • Chuyên ngành gần: Bảo tàng học; Khoa học Thư viện; Quản lý công; Lịch sử Việt Nam.

3.4. Dự kiến quy mô tuyển sinh: 3 – 5 NCS/năm 

PHẦN II. CHUẨN ĐẦU RA CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

1. Về chất lượng luận án

– Luận án phải là công trình nghiên cứu khoa học độc lập, có đóng góp mới cho việc giải quyết vấn đề khoa học, lí luận hoặc thực tiễn đang đặt ra,góp phần xây dựng, hình thành khung lí thuyết mới, hệ tư tưởng mới phù hợp với chuyên ngành Lưu trữ học;

– Đề tài luận án phải được tiểu ban chuyên môn thông qua trong quy trình xét tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ, được thủ trưởng đơn vị đào tạo ra quyết định giao đề tài và người hướng dẫn. Nghiên cứu sinh phải trình bày nội dung, kế hoạch nghiên cứu trước đơn vị chuyên môn chậm nhất 3 tháng sau khi nhận đề tài luận án và báo cáo kết quả nghiên cứu 6 tháng 1 lần trong thời gian thực hiện luận án. Kết quả đánh giá báo cáo là điều kiện để xem xét việc đề nghị cho bảo vệ luận án;

– Kết quả nghiên cứu trong luận án phải là kết quả lao động của chính tác giả thu được chủ yếu trong thời gian đào tạo. Nếu sử dụng kết quả, tài liệu của người khác (bảng, biểu, công thức, đồ thị cùng những tài liệu khác) thì phải được tác giả đồng ý và trích dẫn tường minh. Nếu luận án là công trình khoa học hoặc một phần công trình khoa học của một tập thể trong đó tác giả đóng góp phần chính thì phải xuất trình các văn bản thể hiện sự nhất trí của các thành viên trong tập thể đó cho tác giả sử dụng kết quả chung của tập thể để viết luận án;

– Luận án phải là một công trình nghiên cứu khoa học sáng tạo của chính nghiên cứu sinh, có đóng góp về mặt lí luận và thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu hoặc giải pháp mới có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực Lưu trữ học, giải quyết sáng tạo các vấn đề của ngành Lưu trữ học hay thực tiễn kinh tế – xã hội;

– Luận án có khối lượng không quá 300 trang A4, không kể phụ lục, trong đó có ít nhất 50% số trang trình bày kết quả nghiên cứu và biện luận của riêng nghiên cứu sinh theo cấu trúc: Phần mở đầu, Tổng quan về vấn đề nghiên cứu, nội dung, kết quả nghiên cứu, kết luận và khuyến nghị, danh mục các công trình công bố kết quả nghiên cứu của đề tài, luận án, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục (nếu có).  Bản tóm tắt luận án có khối lượng không quá 24 trang A5 phản ánh trung thực kết cấu, bố cục và nội dung của luận án, phải ghi đầy đủ toàn văn kết luận của luận án. Bản thông tin luận án khoảng 3 đến 5 trang (300 đến 500 chữ) bằng tiếng Việt và tiếng Anh tr.nh bày những nội dung cơ bản, những nội dung mới và những đóng góp quan trọng nhất của luận án.

2. Về kiến thức chuyên môn

2.1. Kiến thức chung trong ĐHQGHN

Người học nắm vững thế giới quan và phương pháp luận Triết học Mác – Lênin; có kiến thức cơ bản về ngoại ngữ (một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung) và sử dụng tốt những kiến thức nói trên trong học tập, nghiên cứu khoa học và trong hoạt động thực tiễn.

2.2. Kiến thức nhóm chuyên ngành 

Lưu trữ học thuộc nhóm ngành thông tin, vì vậy người học cần nắm vững những vấn đề hiện đại về lý luận/ lý thuyết và thực tiễn về khoa học thông tin, giá trị của thông tin quá khứ (tài liệu lưu trữ) và nhu cầu khai thác, mục đích sử dụng thông tin tài liệu lưu trữ của giới khoa học, các nhà quản lý và của toàn xã hội để phục vụ cho các lĩnh vưc; chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và các nhu cầu chính đáng của nhân dân; nắm vững lý luận và thực tiễn của việc lưu trữ, tổ chức khoa học và phục vụ khai thác hiệu quả các nguồn thông tin nói chung và thông tin trong tài liệu lưu trữ nói riêng.

2.3. Kiến thức chuyên ngành

– Người học phải có năng lực sáng tạo, phát hiện và giải quyết các vấn đề lịch sử, pháp lý và khuynh hướng phát triển của ngành lưu trữ, của công tác lưu trữ ở Việt Nam và thế giới; phát hiện các vấn đề đang cần được nghiên cứu và giải quyết trong công tác lưu trữ và hoạt động lưu trữ ở Việt Nam; nắm bắt những kiến thức về thành tựu phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và ứng dụng hiệu quả trong công tác lưu trữ;

– Người học nắm vững phương pháp luận và các phương pháp cụ thể cần áp dụng để thực hiện các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực lưu trữ; có khả năng vận dụng các phương pháp đó vào hoạt động nghiên cứu và hoạt động thực tiễn.

2.4. Kiến thức học phần và chuyên đề tiến sĩ

Nghiên cứu sinh nắm vững và biết cách phát hiện các vấn đề cần nghiên cứu về lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực lưu trữ học nói chung và ở Việt Nam nói riêng; biết cách triển khai thực hiện (Nghiên cứu lý luận, khảo sát thực tiễn, phân tích các quy chế pháp lý…) để đưa ra những  kiến giải khoa học nhằm giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn của lưu trữ học Việt Nam và thế giới. 

3. Yêu cầu về năng lực nghiên cứu

Nghiên cứu sinh có khả năng nghiên cứu độc lập các vấn đề thuộc lĩnh vực lưu trữ học như nghiên cứu những lí luận mới về lưu trữ học; Cơ sở khoa học và thực tiễn về công tác văn thư, lưu trữ để tham mưu cho Đảng và Nhà nước đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp với xu thế phát triển hiện nay; Những tác động của sự thay đổi trong xã hội hiện đại đến công tác lưu trữ; Biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác lưu trữ trong các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.

Trong thời gian theo học chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ có tối thiểu  02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI – Scopus hoặc đã công bố tối thiểu 02 báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 02 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện.

4. Về kỹ năng

4.1. Kỹ năng nghề nghiệp: Sau khi tốt nghiệp, người học có những kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng làm việc sau: 

– Kỹ năng tư duy sáng tạo, phát hiện và xử lý các vấn đề cấp thiết phát sinh trong hoạt động lưu trữ và công tác lưu trữ;

– Am hiểu lý thuyết, vận dụng lý thuyết vào thực tiễn hoạt động lưu trữ và công tác lưu trữ; tham mưu cho các cấp lãnh đạo hoặc trực tiếp tham gia xây dựng các quy chế pháp lý và các biện pháp tổ chức, quản lý công tác lưu trữ trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;

– Kỹ năng nghiên cứu độc lập và sử dụng tốt các phương pháp nghiên cứu để phát hiện và đưa ra các giải pháp cho các vấn đề đang đặt ra trong công tác lưu trữ của các cơ quan, tổ chức, doanh;

– Có kỹ năng thiết kế, xây dựng và triển khai đề án nghiên cứu cơ bản về khoa học lưu trữ; có kỹ năng thuyết trình và phản biện các vấn đề, đề án khoa học; công bố  công trình, bài báo khoa học quốc tế; có kỹ năng viết các tổng quan khoa học để tổng kết, đánh giá và đưa ra các hướng nghiên cứu mới;

– Giảng dạy các chuyên đề về lưu trữ học; hướng dẫn các học viên cao học thực hiện luận văn và các NCS thực hiện luận án để giải quyết các vấn đề lý luận của lưu trữ học và thực tiễn công tác lưu trữ. 

4.2. Kỹ năng bổ trợ: Sau khi tốt nghiệp, người học được nâng cao các kỹ năng mềm (kỹ năng làm việc với người khác) như: 

– Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng thích ứng với con người và hoàn cảnh để làm việc với đối tác, cơ quan có thẩm quyền, cơ quan trực thuộc trong lĩnh vực lưu trữ; 

– Kỹ năng kiểm soát bản thân để ứng phó và xử lý các tình huống trong giải quyết công việc liên quan đến công tác lưu trữ  và trong cuộc sống;

 – Kỹ năng tổ chức và tập hợp các nhóm làm việc hiệu quả để giải quyết các vấn đề cấp thiết trong lĩnh vực lưu trữ; 

– Kỹ năng quản lý và lãnh đạo một tập thể người lao động để thực hiện các nhiệm vụ được giao và giải quyết các vấn đề phức tạp của công tác lưu trữ trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp.

5. Về phẩm chất đạo đức

5.1. Phẩm chất đạo đức cá nhân: Nghiêm túc, trách nhiệm, nhiệt tình, tự chủ, kiên trì và sẵn sàng đương đầu với khó khăn để đóng góp cho sự phát triển của ngành lưu trữ; tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức, nhân dân có ý thức bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu  lưu trữ; 

5.2. Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp: Chuyên nghiệp, chủ động, độc lập và sáng tạo trong việc nghiên cứu, tổ chức và quản lý công tác lưu trữ; 

5.3. Phẩm chất đạo đức xã hội: Có trách nhiệm với cộng đồng, tuân thủ pháp luật, bảo vệ chân lí, ủng hộ tư tưởng đổi mới, tiến bộ trong ứng dụng các vấn đề lý luận và khoa học công nghệ vào thực tiễn hoạt động lưu trữ và công tác lưu trữ.

6. Về vị trí việc làm của nghiên cứu siinh sau khi tốt nghiệp

– Lãnh đạo và quản lý các cơ quan quản lí ngành như Cục Lưu trữ thuộc Văn phòng Trung ương Đảng, Cục Văn thư-Lưu trữ Nhà nước; 

– Đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo và quản lý cơ quan sự nghiệp lưu trữ cấp Trung ương và cấp tỉnh;

– Phụ trách công tác Văn thư-Lưu trữ các cơ quan cấp Bộ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 

– Đảm nhận vị trí quản lí lưu trữ chuyên ngành, lưu trữ kĩ thuật, lưu trữ các tập đoàn kinh tế lớn;

– Giảng dạy các môn chuyên ngành bậc Đại học và Sau đại học chuyên ngành Lưu trữ học;

– Có năng lực tham gia điều hành các cơ sở nghiên cứu, tổ chức và thực hiện nghiên cứu các đề tài liên quan đến công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ.

7. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp

Sau khi nhận học vị tiến sĩ chuyên ngành Lưu trữ học, nghiên cứu sinh có điều kiện nâng cao trình độ qua việc tham gia cộng tác giảng dạy và thực hiện các đề tài nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh; Trường Đại học Nội vụ Hà Nội; Học viện Hành chính Quốc gia và một số trường đại học khác. 

8. Các chương trình tiến sĩ của các trường đại học uy tín của quốc tế được tham khảo

– Chương trình tiến sĩ của Trường Lưu trữ lịch sử thuộc Trường Đại học tổng hợp Xã hội Nhân văn Liên bang Nga;

– Chương trình tiến sĩ Lưu trữ học của Trường Đại học Toronto, Canada;

– Chương trình tiến sĩ Lưu trữ học của Trường Đại học British Columbia, Canada. 

PHẦN III. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

1. Đối với NCS chưa có bằng Thạc sĩ: Phải hoàn thành các học phần của chương trình đạo tạo thạc sĩ và các nội dung của chương trình đào tạo tiến sĩ. 

Tổng số tín chỉ phải tích lũy: 132 tín chỉ, trong đó:

Phần 1: Các học phần bổ sung kiến thức: 40 tín chỉ

Khối kiến thức chung (bắt buộc): 04 tín chỉ

Khối kiến thức cơ sở và chuyên ngành: 36 tín chỉ

Bắt buộc: 16 tín chỉ
Tự chọn: 20/42 tín chỉ

Phần 2. Các học phần, chuyên đề NCS và tiểu luận tổng quan: 22 tín chỉ

Các học phần NCS: 10 tín chỉ

  • Bắt buộc: 06 tín chỉ
  • Tự chọn: 04/08 tín chỉ

Ngoại ngữ học thuật nâng cao 04 tín chỉ

Chuyên đề tiến sĩ: 06/12 tín chỉ

Tiểu luận tổng quan: 02 tín chỉ

– Phần 3. Nghiên cứu khoa học (là yêu cầu bắt buộc với nghiên cứu sinh nhưng không tính số tín chỉ trong chương trình đào tạo). 

– Phần 4. Tham gia sinh hoạt chuyên môn, công tác trợ giảng và hỗ trợ đào tạo (là yêu cầu bắt buộc với nghiên cứu sinh nhưng không tính số tín chỉ trong chương trình đào tạo).   

– Phần 5. Luận án tiến sĩ: 70 tín chỉ

2. Đối với NCS có bằng thạc sĩ chuyên ngành gần: Phải hoàn thành một số học phần của chương trình đạo tạo thạc sĩ và các nội dung của chương trình đào tạo tiến sĩ.

Tổng số tín chỉ phải tích lũy: 107 tín chỉ, trong đó:

Phần 1. Các học phần bổ sung kiến thức: 15 tín chỉ

Khối kiến thức cơ sở và chuyên ngành:

  • Bắt buộc: 10 tín chỉ
  • Tự chọn: 05/25 tín chỉ

Phần 2. Các học phần, chuyên đề NCS và tiểu luận tổng quan: 22 tín chỉ

Các học phần NCS: 10 tín chỉ

  • Bắt buộc: 06 tín chỉ
  • Tự chọn: 04/08 tín chỉ

Ngoại ngữ học thuật nâng cao 04 tín chỉ

Chuyên đề tiến sĩ: 06/12 tín chỉ

Tiểu luận tổng quan: 02 tín chỉ

– Phần 3. Nghiên cứu khoa học (là yêu cầu bắt buộc với nghiên cứu sinh nhưng không tính số tín chỉ trong chương trình đào tạo). 

– Phần 4. Tham gia sinh hoạt chuyên môn, công tác trợ giảng và hỗ trợ đào tạo (là yêu cầu bắt buộc với nghiên cứu sinh nhưng không tính số tín chỉ trong chương trình đào tạo).   

– Phần 5. Luận án tiến sĩ: 70 tín chỉ

3. Đối với NCS có bằng thạc sĩ chuyên ngành đúng hoặc phù hợp

Tổng số tín chỉ phải tích lũy: 92 tín chỉ, trong đó:

Phần 1. Các học phần, chuyên đề NCS và tiểu luận tổng quan: 22 tín chỉ

Các học phần NCS: 10 tín chỉ

  • Bắt buộc: 06 tín chỉ
  • Tự chọn: 04/08 tín chỉ

Ngoại ngữ học thuật nâng cao: 04 tín chỉ

Chuyên đề tiến sĩ: 06/12 tín chỉ

Tiểu luận tổng quan: 02 tín chỉ

Phần 2: Nghiên cứu khoa học (là yêu cầu bắt buộc với nghiên cứu sinh nhưng không tính số tín chỉ trong chương trình đào tạo).

Phần 3. Tham gia sinh hoạt chuyên môn, công tác trợ giảng và hỗ trợ đào tạo (là yêu cầu bắt buộc với nghiên cứu sinh nhưng không tính số tín chỉ trong chương trình đào tạo).

Phần 4. Luận án tiến sĩ: 70 tín chỉ

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây